Giám mục Phaolô_Nguyễn_Văn_Hòa

Bổ nhiệm và tấn phong

Ngày 30 tháng 1 năm 1975, Tòa Thánh Vatican công bố sắc phong bổ nhiệm linh mục Phaolô Nguyễn Văn Hòa làm giám mục chính tòa Giáo phận Phan Thiết vừa được thành lập.[6][9] Lúc này tại vùng đất Ban Mê Thuột, nơi Tân giám mục đang sống đang có chiến sự ác liệt.[10] Tòa Thánh Vatican ngày 17 tháng 3 báo cáo rằng giám mục Mai và giám mục tân cử Nguyễn Văn Hòa, cùng một số linh mục Công giáo đã bị quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đi, đồng thời loan tin về cái chết của linh mục tổng đại diện Giáo phận Ban Mê Thuột Giuse Trịnh Chính Trực.[11] Tờ Quan sát viên Rôma báo cáo ngày 18 tháng 3 và Khâm sứ Tòa Thánh tại Sài Gòn đã xác nhận rằng Linh mục Trịnh Chính Trực đã bị giết chết, đồng thời xác nhận việc giám mục Nguyễn Huy Mai và giám mục tân cử Nguyễn Văn Hòa đang ở trong vùng chiến sự Ban Mê Thuột khi quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tấn công và chưa rõ số phận của họ.[12]

Ngày 6 tháng 4 năm 1975, National Catholic Register trích dẫn nguồn tin từ linh mục Raymond de Jaegher, giáo sĩ có thời gian làm việc lâu dài tại Đông Nam Á và thành viên Quỹ Hồng y Mindszenty Foundation. Linh mục này cho biết, lực lượng quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã giết chết Giám mục Nguyễn Huy Mai và hai linh mục khác, đồng thời Giám mục Tân cử Nguyễn Văn Hòa và 9 linh mục khác cũng đã bị hành quyết vào ngày 5 tháng 4 năm 1975. Tờ quan sát viên Rôma bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước tin các giám mục và linh mục bị giết, đồng thời cũng nhắc đến tin tức về cái chết của linh mục Trực.[13]

Trên thực tế, lễ tấn phong giám mục cho vị giám mục Tân cử Nguyễn Văn Hòa được tổ chức vào ngày 5 tháng 4 năm 1975 tại nhà nguyện Dòng Nữ Vương Hòa Bình Ban Mê Thuột[10][8] do giám mục chủ phong Nguyễn Huy Mai chủ sự. Tham gia lễ tấn phong còn có linh mục Giuse Trịnh Chính Trực.[4] Lễ tấn phong giám mục được cử hành cách âm thầm trong khung cảnh tu viện đang đón nhận số người tị nạn lên đến một nghìn người. Chỉ có hai linh mục xứ Ban Mê Thuột được biết tin này, trong khi giáo dân không một ai được biết..[14][gc 1] Giám mục Hòa chọn khẩu hiệu giám mục của mình là Trong tinh thần và chân lý, trích từ Phúc Âm Gioan của Kitô giáo. Ông giải nghĩa câu này với ý nghĩa rằng cả Tinh thần và Chân lý đều ám chỉ sức sống và sức mạnh của Chúa Thánh Thần và sức mạnh này không thể bị khuất phục bởi những khó khăn. Ông cho rằng khẩu hiệu này giúp ông tin tưởng vào sức tác động của Chúa Thánh Thần và tin rằng có chân lý và có tinh thần là có sức mạnh.[15]

Sau khi được phong chức, Tân giám mục sắp xếp đi nhận nhiệm sở. Ngày 5 tháng 5, Nguyễn Văn Hòa bắt xe đò từ Nha Trang đi Phan Thiết thì nhận được tin báo Tòa Thánh đã thuyên chuyển ông làm Giám mục Giáo phận Nha Trang. Tuy vậy, giám mục Hòa vẫn tiếp tục hành trình do linh mục đoàn Phan Thiết đang chờ đón vị tân chức. Thời gian sau này khi đã nhận được văn thư, Giám mục Hòa mới biết chính xác thông tin văn thư bổ nhiệm được ký vào ngày 24 tháng 4 năm 1975.[10]

Ngày 7 tháng 5 năm 1975, Giám mục Nguyễn Văn Hòa chính thức nhận "bàn giao giáo phận" để Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận lên đường nhậm chức tổng giám mục phó Tổng giáo phận Sài Gòn.[6] Nghi thức nhận Tòa được cử hành sau đó vào ngày 25 tháng 5 tại Nhà thờ chính tòa Nha Trang.[4] Tuy nhiên, chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tuyên bố không công nhận Giám mục Thuận là tổng giám mục phó Tổng giáo phận Sài Gòn vì họ cho rằng đó là một "mưu đồ chính trị". Lý do là vì Tân Tổng giám mục Thuận là cháu Tổng giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục và cố Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm.[16]

Mục vụ giáo phận Nha Trang

Ngày 1 tháng 7 năm 1975, Uỷ ban Quân quản Thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức yêu cầu Tổng giám mục Nguyễn Văn Thuận trở về nơi ông này đã cư trú trước ngày 30 tháng 4 năm 1975.[17] Chính vì vậy, mặc dù cử đại diện tham dự lễ nhậm chức giám mục chính tòa ngày 25 tháng 5 năm 1975, nhưng chính quyền mới vẫn xem chức vụ Giám mục Nha Trang của Giám mục Phaolô Hòa là "bất hợp pháp" trong một thời gian dài. Mặc dù vậy, giám mục Hòa đã khéo léo lãnh đạo Giáo phận Nha Trang tránh được nhiều rắc rối, cũng như sự hiểu lầm từ phía chính quyền và cộng đồng lương dân.[6] Giáo phận Nha Trang tính đến cuối thời kỳ của giám mục Nguyễn Văn Thuận tiền nhiệm có 52 giáo xứ với 99.500 giáo dân.[18]

Nhận giáo phận trong thời kỳ vừa kết thúc Chiến tranh Việt Nam, giám mục Nguyễn Văn Hòa gặp nhiều khó khăn. Trong thời kỳ đầu cai quản Nha Trang, giám mục Hòa hỗ trợ giáo dân sinh hoạt tôn giáo bằng cách hoàn thành bộ Bài Ca Ý Lực Sống cho ba năm Phụng Vụ A- B- C với nội dung là một câu Lời Chúa trong bài đọc ngày Chúa nhật của đạo Công giáo thành bài thánh ca, dùng để hát mỗi ngày trong tuần khi tham dự Thánh lễ cũng như khi đọc kinh, học giáo lý hay sinh hoạt đoàn thể.[10]

Về vấn đề đào tạo nhân sự, Nguyễn Văn Hòa cho tái khai mở chủng viện Sao Biển năm 1991. Trong giáo phận, ông cho khai mở các khóa đào tạo tu sĩ liên dòng, giáo dân, hội đồng giáo xứ, ca đoàn và giáo lý viên cũng được tổ chức hằng năm, theo tiền lệ từ thời giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Thời kỳ giám mục Hòa quản lý, giáo phận Nha Trang phát hành được một bộ sách Giáo lý Phổ thông cho giáo Lý viên và giáo dân trẻ tuổi và nhiều sách thần học cho giáo dân. Bộ sách nay phổ biến ở nhiều giáo phận tại Việt Nam. Song song với giáo lý, Ban Thánh nhạc của giáo phận Nha Trang cũng cho ra đời các bộ sách Thánh Ca theo chủ đề của năm Phụng vụ, được nhiều nơi sử dụng.[10]

Năm 1993, giám mục giáo phận Kon Tum Alexis Phạm Văn Lộc đề nghị giám mục Nguyễn Văn Hòa cho linh mục Aloisiô Nguyễn Hùng Vị gia nhập giáo phận Kon Tum và giám mục Hòa chấp thuận đề nghị này, linh mục Vị về Kon Tum để quản lý các ứng sinh Chủng viện Kontum đi học Đại học tại Sài Gòn.[19] Tháng 11 năm 1994, sau khi tham khảo ý kiến Tòa Thánh, giám mục Hòa quyết định nâng tu hội Thừa sai Chúa Giêsu này thành thiện hội. Dòng tu này có điểm đặc biệt là không sử dụng tu phục.[20]

Giữa tháng 11 năm 2003, Giám mục Nguyễn Văn Hòa với tư cách Chủ tịch đại diện Hội đồng Giám mục Việt Nam có bài phát biểu tại phiên họp Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Đây là lần đầu tiên có đại diện Hội đồng giám mục Việt Nam tham gia cuộc họp của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ. Chuyến viếng thăm này nhằm đáp lại chuyến viếng thăm của hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đến Việt Nam vào năm 1999.[21] Trong bài phát biểu tại ngày khai mạc, giám mục Nguyễn Văn Hòa cho rằng chuyến viếng thăm năm 1999 là một bước ngoặt trong quan hệ giữa giáo hội Công giáo tại Hoa Kỳ và Việt Nam, đồng thời cảm ơn các giám mục Hoa Kỳ đã hỗ trợ trong những thời kỳ khó khăn. Ngoài giám mục Nguyễn Văn Hòa tham gia phiên họp, từ Việt Nam còn có hồng y tân cử Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn, giám mục giáo phận Bùi Chu Giuse Hoàng Văn Tiệm và giám mục Phêrô Nguyễn Soạn từ giáo phận Qui Nhơn.[22]

Giữa tháng 4 năm 2006, giám mục Nguyễn Văn Hòa đến thăm và có buổi nói chuyện với chủng sinh tại Đại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội. Bài nói chuyện của ông tập trung vào chủ đề sơ lược về tình hình truyền giáo của Giáo hội Công giáo qua các thiên niên kỷ, sau đó đi vào phân tích những khó khăn trong công tác truyền giáo tại châu Á.[23] Giám mục Nguyễn Văn Hòa đến Paris thăm Giáo Xứ Việt Nam Paris và cộng đoàn công giáo tại đây. Trong dịp này, giám mục Nguyễn Văn Hòa nhận trả lời phỏng vấn với giáo sư Trần Văn Cảnh, biên tập viên Việt Catholic và giáo xứ Việt Nam Paris. Khi được hỏi về vấn đề Hội đồng Giám mục Việt Nam tham gia vào Liên Hội đồng giám mục Á châu, giám mục Nguyễn Văn Hòa cho biết các giám mục Việt Nam đã tìm cách tham dự vào công việc của Liên Hội đồng Giám mục từ trước năm 2000 và việc tham gia này ngày càng tăng thêm.[15]

Trong thời kỳ quản lý giáo phận Nha Trang, Nguyễn Văn Hòa góp phần xây dựng và phát triển Đại chủng viện Sao Biển, Nha Trang. Đây là một Đại chủng việc đào tạo linh mục liên giáo phận gồm ba giáo phận Nha Trang, Qui Nhơn và Ban Mê Thuột và giảng dạy Thần học cho các chủng sinh cho các giáo phận khắp Việt Nam.[6][10] Quản lý giáo phận, giám mục Hòa quyết định gửi nhiều linh mục và giáo dân đi du học, gửi linh mục và tu sĩ tham gia công tác truyền giáo tại các quốc gia khác và tổ chức huấn luyện giáo dân hàng năm. Dưới thời giám mục Hòa, cơ sở giáo phận và các hội dòng phát triển, phần lớn các giáo xứ và giáo họ trùng tu tái thiết hoặc xây mới các cơ sở tôn giáo. Hoạt động Công giáo Tiến hành phát triển trong giáo phận, thiết lập Legio Mariae tại giáo phận với tên gọi Regia Nha Trang, nhưng trên thực tế bao trùm ba giáo phận Nha Trang, Ban Mê Thuột và Kon Tum. Ngoài Legio Mariae, các tổ chức sinh hoạt giáo dân khác cũng dần được kiện toàn.[6] Từ con số 52 giáo xứ với 99.500 giáo dân tại thời điểm cai quản của giám mục Nguyễn Văn Thuận, thời kỳ quản nhiệm của giám mục Nguyễn Văn Hòa và giám mục phó Phêrô Nguyễn Văn Nho, giáo phận Nha Trang tăng lên 72 giáo xứ với 184.800 giáo dân.[18]

Giám mục Nguyễn Văn Hòa cũng là một trong các sáng lập viên của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (FABC) và Đài phát thanh Chân lý Á Châu. Tại Hội đồng Giám mục Việt Nam, nhiệm kỳ IV và V (1989 – 1995), ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Giám mục về Linh mục, Tu sĩ và Chủng sinh. Nhiệm kỳ VI (1995 – 1998), ông là Phó chủ tịch II; và trong nhiệm kỳ VII (1998 – 2001), là Chủ tịch Ủy ban Giám mục về Thánh nhạc. Hai nhiệm kỳ VIII và IX (2001 – 2007), ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Giám mục.[6] Ngoài ra, từ năm 1998 đến năm 2009, giám mục Hòa còn là thành viên Ủy ban về Á châu của Toà Thánh hậu Thượng Hội đồng Giám mục về Á châu.[4]

Giám quản Ban Mê Thuột và qua đời

Năm 2006, Giám mục Nguyễn Văn Hòa 75 tuổi, là độ tuổi hồi hưu của các giám mục Công giáo. Ông viết đơn từ chức gửi đến Tòa Thánh.[10] Tòa Thánh không chấp nhận đơn này và ngày 17 tháng 5 năm 2006 bổ kiệm giám mục Hòa kiêm chức giám quản Tông tòa Giáo phận Ban Mê Thuột, coi sóc giáo phận thay Giám mục Giuse Nguyễn Tích Đức xin từ chức vì lý do sức khỏe. Giám mục Hòa đã đảm trách nhiệm vụ này đến ngày 21 tháng 2 năm 2009, khi Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm tân Giám mục Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản làm giám mục chính tòa Giáo phận Ban Mê Thuột.[6][4]

Trong vụ việc đề nghị trả lại Tòa Khâm sứ Tòa Thánh cũ tại Hà Nội của Tổng giám mục Hà Nội Giuse Ngô Quang Kiệt, giám mục Nguyễn Văn Hòa đại diện giáo dân, giáo sĩ và linh mục Giáo phận Ban Mê Thuột với tư cách Giám quản Tông Tòa bày tỏ ủng hộ với đề nghị này của Tổng giáo phận Hà Nội. Bức thư được ký vào ngày 29 tháng 12 năm 2007.[24]

Sau khi giám mục Bản nhận giáo phận Ban Mê Thuột, tháng 5 năm 2009, giám mục Nguyễn Văn Hòa trở về Nha Trang và viết thư tái thể hiện mong muốn về hưu gửi Tòa Thánh. Tòa Thánh có thư trả lời chấp thuận đề nghị của giám mục Hòa vào tháng 10 năm 2009.[10] Ngày 4 tháng 12 năm 2009, nhân lễ kim khánh (kỷ niệm 50 năm) linh mục tại Nhà thờ chính tòa Nha Trang, giám mục Nguyễn Văn Hòa công bố quyết định nghỉ hưu của Tòa Thánh.[6] Tòa Thánh cũng loan tin này thông qua Văn phòng Báo chí Tòa Thánh.[25] Kế vị giám mục Hòa là Giám mục phó Giuse Võ Đức Minh. Sau khi hồi hưu, Nguyễn Văn Hòa nghỉ hưu tại nhà hưu dưỡng các linh mục Giáo phận Nha Trang.[6]

Sau khi từ nhiệm, giám mục Hòa cho biết ông sẽ tham gia các hoạt động tôn giáo, tuy nhiên vấn đề này còn phụ thuộc vào sức khỏe và khả năng của bản thân. Thời điểm về hưu, giám mục Hòa vẫn tiếp tục đảm nhận vai trò Chủ tịch Uỷ ban Thánh nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam và Viện trưởng Đại chủng viện liên kết với Đại học Urbaniana, thành viên tại chức của Ủy ban đặc biệt Á Châu. Ông cho rằng mình mong muốn dành nhiều thời gian cho Ủy ban Thánh nhạc và hoàn tất một số việc liên quan đến Thánh nhạc còn đang dang dở.[10] Ủy ban Thánh Nhạc trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam xuất bản hai cuốn Tuyển tập Thánh ca Việt Nam. Giám mục Nguyễn Văn Hòa tham gia trong quá trình biên soạn bằng cách kiểm tra nội dung quyển II.[26]

Những ngày cuối đời, giám mục Nguyễn Văn Hòa nằm liệt giường và lâm vào tình trạng hôn mê.[27] Nguyễn Văn Hòa qua đời vào ngày 14 tháng 2 năm 2017,[28] tại Tòa giám mục Nha Trang.[29] Giáo hoàng Phanxicô và các Hội đồng Tòa Thánh gửi điện văn phân ưu.[30] Lễ an táng được tổ chức sau đó vào ngày 18 tháng 2, do Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng giám mục Tổng giáo phận Hà Nội chủ sự.[28] Lễ tang được tổ chức tại Nhà thờ chính tòa Nha Trang, với sự tham gia của Tổng giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam, hồng y Nhơn và 32 giám mục khác đến từ 26 giáo phận tại Việt Nam, khoảng 500 linh mục và 5.000 giáo dân. Thi hài cố giám mục được an táng trước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, bên phía quảng trường Ave Maria, trong khuôn viên nhà thờ chính tòa Nha Trang.[30][31]

Ngày 1 tháng 5 năm 2017, đêm nhạc kỷ niệm 100 năm sự kiện Công giáo Đức Mẹ Fatima được tổ chức tại Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Đêm nhạc này cũng tưởng nhớ các nhạc sĩ thánh ca mới qua đời gồm các giám mục Nguyễn Văn Hòa, Giuse Vũ Duy Thống và linh mục Gioan Phạm Đình Nhu.[32]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phaolô_Nguyễn_Văn_Hòa http://hdgmvietnam.com/chi-tiet/danh-sach-cac-giam... http://tonggiaophansaigon.com/baiviet-tintuc/20091... http://www.viendongdaily.com/duc-tgm-giuse-nguyen-... http://conggiao.info/duc-hong-y-dang-kinh-nguoi-vi... http://vietcatholicnews.net/News/Home/Article/1291... http://vietcatholicnews.net/News/Home/Article/1292... http://vietcatholicnews.net/News/Home/Article/2153... http://vietcatholicnews.net/News/Home/Article/3407... http://vietcatholicnews.net/News/Home/Article/4908... http://vietcatholicnews.net/News/Home/Article/5070...